Xung đột biên giới phía bắc Khang_Hi

Khang Hi Đế mặc quân phục.

Xung đột với nước Nga

Trong lúc Khang Hi còn phải đánh dẹp trong nước thì quân Nga liên tiếp tấn công vùng Hắc Long Giang của Trung Quốc. Sa hoàng Nga Ivan V còn xây dựng căn cứ Yaksa để dễ bề tấn công Trung Quốc.

Đầu năm 1682, Hoàng đế Khang Hi lên biên giới xem xét tình hình để tổ chức kháng cự. Vào năm 1683, ông bổ nhiệm Tát Bố Tố làm tướng quân Hắc Long Giang tới Ái Huy triển khai phòng ngự.

Vào năm 1685, ông sai đô đốc Bành Xuân và Tát Bố Tố chia hai đường thủy bộ tấn công Yaksa, hạ được thành này và rút về Ái Huy.

Quân Nga điều đại bác từ kinh thành Moskva tới, kéo thêm viện binh từ Nerchinsk tấn công trở lại. Khang Hi lại sai Tát Bố Tố tấn công Yaksa lần thứ 2 vào năm 1686. Sau 3 tháng giao tranh ác liệt, cuối cùng hai bên đều cầm cự. Tới năm 1689, hai bên ký kết hòa ước Nerchinsk xác định biên giới 2 nước. Hòa ước này đảm bảo hòa bình cho biên giới Nga – Trung trong hơn 100 năm[14][15].

Chiến tranh với người Mông Cổ

Một mặt tấn công chính diện, mặt khác Sa hoàng còn giúp cho các tộc Mông Cổ phía bắc tấn công nhà Thanh. Do Sa hoàng ủng hộ, Cát Nhĩ Đan (Galdan, 1670 - 1697) - hãn của Chuẩn Cát Nhĩ, ngày càng lớn mạnh, thống nhất các bộ lạc Mông và năm 1690 mang quân tấn công vào Nội Mông, chỉ còn cách Bắc Kinh 90 km.

Khang Hi bèn thân chinh đi đánh Cát Nhĩ Đan, bất chấp sự phản đối của nhiều đại thần muốn cầu hòa. Hai bên giao chiến ác liệt tại Ô Lan Bố Thông. Cát Nhĩ Đan bố trí phòng thủ "thành lạc đà", dùng hàng ngàn con lạc đà trói chân nằm dưới đất, trên lưng xếp đầy hòm gỗ đựng chăn đệm ướt tạo ra bức thành dài[16]. Nhưng sau đó thành lạc đà bị quân Thanh dùng đại bác bắn vỡ. Cát Nhĩ Đan phải phá vây bỏ chạy.

Năm 1696, Cát Nhĩ Đan lại liên kết với Sa hoàng, mang 3 vạn quân[16] tấn công Trung Quốc lần thứ 2. Khang Hi lại thân chinh mang 10 vạn quân[16] đi đánh, chia làm 3 cánh: Tát Bố Tố phía đông, Phí Dương Cổ chỉ huy phía tây và ông tự mình đi trung quân. Kết quả quân Thanh thắng trận, đuổi được Cát Nhĩ Đan.

Sang năm 1697, Cát Nhĩ Đan tấn công lần thứ 3. Khang Hi lại phải thân chinh một lần nữa. Lần này Cát Nhĩ Đan thất bại nặng, phải chạy về căn cứ Y Lợi, nhưng Y Lợi đã bị cháu là Sách Vọng A Na Bố Thản làm phản chiếm giữ. Cát Nhĩ Đan định chạy sang Tây Tạng nhưng đường đi bị quân Thanh ngăn trở. Nhiều thủ hạ đầu hàng quân Thanh, Cát Nhĩ Đan bèn tự vẫn chết trong tuyệt vọng[16][17].

Sau này Sách Vọng A Na Bố Thản (Tsewang Rabtan) lại mang quân chiếm Tây Tạng. Năm 1720 Khang Hi điều binh đánh đuổi Sách Vọng, hộ tống vị Đạt Lai Lạt Ma VII của Tây Tạng về nước. Từ đó nhà Thanh cử sứ thần và quân sĩ tới chiếm lĩnh vùng Tây Tạng[18]. Từ năm 1722, Khang Hi phái quân tiến vào Urumqi, mở đầu việc chiếm giữ Tân Cương sau này[4].